Kanto và Kansai là hai trường phái ẩm thực đại diện khu vực của phía Đông và phía Tây Nhật Bản. Không chỉ vị trí địa lý đối lập, văn hóa, phong tục, tập quán, thậm chí là tính cách sống và ngôn ngữ cũng khác nhau. Chính những điều đó khiến cho ẩm thực của hai vùng miền này có sự khác biệt cực kỳ lớn. Điều này đã xuất hiện từ lâu trong ẩm thực Nhật Bản và hình thành bởi người cai trị của các khu vực. Nếu như miền Kansai được các thương gia và hoàng đế cai trị thì người thống trị ở Kanto lại là những samurai hùng mạnh.
Sơ lược về Kanto và Kansai
Theo như tên gọi, Kanto là khu vực phía Đông Nhật Bản, còn Kansai nằm ở khu vực phía Tây. Cả hai đều là hai khu vực hạt nhân chính của Nhật Bản. Đi sâu vào lịch sử của hai khu vực này, ta có thể thấy, Tokyo sau khi trở thành thủ đô của Nhật Bản vào năm 1869, đã hoạt động với tư cách là trung tâm kinh tế, chính trị của Nhật Bản. Ngược lại, với khu vực Kansai, Kyoto chính là trung tâm của Nhật Bản trong hơn 1000 năm cho đến khi Tokyo trở thành thủ đô và nơi này cũng chính là nơi tập trung các cơ quan đầu não về kinh tế, chính trị, cái nôi của nền văn minh Nhật Bản trong một thời gian dài trước khi chuyển đến Tokyo.
Cho đến ngày nay những dấu ấn đậm nét của khu vực này vẫn còn được lưu lại. Ngày nay, cả Tokyo và Kyoto đều được biết đến như là hai thành phố phát triển thịnh vượng nhất ở Nhật Bản, và là hai khu vực được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hai khu vực này tồn tại những khác biệt rất lớn về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán cho đến tính cách con người. Hãy cùng xem cụ thể những khác biệt đó là gì nhé! Đây cũng chính là hai khu vực nổi tiếng được nhiều người nước ngoài ghé thăm, nên bạn hãy tìm hiểu kỹ những thông tin này vì chúng rất hữu ích cho chuyến đi của bạn đấy!
Tại sao có sự khác biệt về ẩm thực
Từ nhiều thế kỷ trước, hai miền đã có sự khác biệt trong văn hóa và lịch sử. Nếu Kansai là quê hương của các thương gia giàu có và hoàng đế Nhật Bản; thì Kanto bị thống trị bởi các samurai, chưa kể đến tướng quân cai trị của đất nước. Ngày nay, các samurai đã nhường chỗ cho những người làm công ăn lương. Nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy sự khác biệt giữa ẩm thực Kanto và Kansai mỗi khi bạn ngồi xuống dùng bữa tại một nhà hàng. Nhìn chung, ẩm thực Kanto phong phú, đậm đà hơn. Trong khi ẩm thực Kansai thì nhẹ và ngọt hơn.
Du lịch Nhật Bản, bạn sẽ tìm thấy nhiều món hải sản ở Tokyo và các món ăn chế biến từ các loại rau ở Kyoto. Cho dù đó là okonomiyaki và monjayaki; hay onigiri tam giác và onigiri tròn; Tokyo và Osaka – đại diện tiêu biểu cho Kanto và Kansai – vẫn có sự khác biệt rõ ràng trong từng món ăn.
Những khác biệt ẩm thực đó là gì?
Vị của nước súp
Nước súp ở vùng Kanto đậm đà và có màu hơi đen. Đó là sự kết hợp của katsuo-dashi (nước dùng làm từ cá ngừ bào mỏng) và koikuchi (nước tương đen). Tuy nhiên, ở Kansai, nước súp nhạt, trong và vàng hơn. Nó được làm từ kombu-dashi (nước dùng làm từ rong biển) và utsukuchi (nước tương nhạt). Người ta nói rằng sự khác biệt này vì nước dùng đậm hơn phù hợp với mì soba (món ăn phổ biến ở Kanto). Trong khi nước dùng nhạt ngon hơn khi dùng với mì udon (món ăn Nhật phổ biến ở Kansai).
Nguyên liệu làm Tempura
Nếu yêu thích sự hòa quyện giữa tempura và nước sốt đi kèm. Nghĩa là bạn đang thưởng thức món ăn này theo cách người Tokyo hay làm. Tempura ở Kanto làm từ hải sản được đánh bắt từ vịnh Tokyo. Chiên giòn trong dầu mè và dùng với nước chấm dashi và nước tương đen. Ở phía tây của Nhật Bản, tempura theo truyền thống được làm từ rau và chiên trong dầu thực vật. Điểm đặc biệt là tempura chỉ được dùng với muối. Qua đó để không làm át đi hương vị tinh tế của rau.
Hình dạng Onigiri
Onigiri là món ăn nhẹ phổ biến của Nhật Bản. Bạn có thể tìm thấy chúng ở các cửa hàng tiện lợi (konbini) trên khắp đất nước. Onigiri được tạo hình thành hình tam giác hoặc tròn. Tùy thuộc theo khu vực để có được sự khác biệt của ẩm thực Kanto và Kansai mà onigiri có hình dạng khác nhau. Onigiri ở Tokyo được tạo thành hình tam giác vì có vẻ như các samurai sẽ mang chúng theo dễ dàng hơn. Ở Kansai phổ biến với hoạt động xem kịch. Do đó onigiri tròn đầy đặn sẽ nằm gọn trong hộp bento mà mọi người mang theo khi đến rạp.
Cách thưởng thức sushi
Nếu bạn là một tín đồ của sushi, chắc chắn bạn đã nghe nói đến nigiri sushi. Nhiều người còn gọi nó là sushi edomae. Trong đó, “edo” là tên cũ của Tokyo, “mae” có nghĩa là “ở phía trước”. Điều này để chỉ món sushi được làm từ hải sản đến từ Vịnh Tokyo. Khi Tokyo trở thành thủ đô của Nhật Bản, dòng người lao động bận rộn. Đồng nghĩa với việc đồ ăn nhanh cũng trở nên phổ biến. Và cơm với hải sản tươi sống mua thẳng từ vịnh là giải pháp hoàn hảo. Ở Kansai, việc mang sushi về nhà phổ biến hơn là ăn ngoài hàng. Không có tủ lạnh nên cơm và các loại phủ được ép chung vào hộp để bảo quản và dễ vận chuyển. Sushi kiểu Kansai được gọi là oshizushi (sushi ép).
Cách chế biến lươn
Unagi (lươn) là nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên tùy theo văn hóa ẩm thực Kanto và Kansai mà unagi được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Các đầu bếp ở Kansai sẽ mổ bụng unagi và cắt thành từng miếng, sau đó đem đi nướng. Ở Kanto, unagi sẽ bị cắt từ phía sau. Người ta tin rằng, việc mổ bụng lươn gần giống với seppuku – một kiểu tự sát theo nghi lễ được thực hiện bởi các samurai, những người rất có ảnh hưởng trong Kanto thời phong kiến.
Cách làm bánh xèo
Monjayaki và okonomiyaki (hay còn gọi là bánh xèo Nhật) về cơ bản rất giống nhau: cả hai món ăn giống như bánh kếp mặn được làm từ bột mì và bắp cải được nấu trên một vỉ gang. Món okonomiyaki Kansai được phủ một lớp nước sốt thịt nướng kiểu Nhật, sốt mayonnaise và vảy cá bonito; Monjayaki của Kanto dùng bột lỏng nên bánh sẽ trở nên nhão và rời rạc hơn so với Okonomiyaki. Cho dù bạn thích món bánh xèo Nhật được chế biến theo ẩm thực Kanto hay Kansai thì cả hai đều có thể thưởng thức cùng một ly bia đá lạnh.