Khi nhắc đến dải đất Tây Nguyên đầy nắng gió, sỏi cát, người ta thường nghĩ đến những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ giữa miền núi rừng. Thế nhưng không chỉ có vậy, khi bạn đặt chân lên vùng cao nguyên Gia Lai, biển hồ T’nưng chính là nơi sản sinh ra một nét đẹp thơ mộng, hữu tình. Là điểm đến du lịch hấp dẫn, lấy lòng du khách bởi nét dịu dàng lại rất đỗi nên thơ. Gia Lai từ lâu vốn đã là một điểm dừng chân lý tưởng, giờ đây có biển hồ T’nưng Gia Lai lại có thêm một nét quyến rũ giữa miền cao nguyên lộng gió.
Đôi nét về biển hồ T’nưng
Biển hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ Pleiku hoặc hồ Ea Nueng là địa danh nổi tiếng ở khu vực phía Bắc của Pleiku, nơi đây được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ. Theo tiếng Ê Đê, T’nưng có nghĩa là “biển ở trên núi”. Biển Hồ vốn là 3 miệng núi lửa cổ thông với nhau, bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao nên dù đứng từ xa vẫn nhìn thấy rõ. Mỗi miệng tạo ra một vực sâu khó dò đến đáy, nên người ta còn gọi là “hồ không đáy”. Là hồ nước ngọt tự nhiên, hồ T’Nưng là một vựa cá lớn ở vùng đất Tây Nguyên này. Hồ là thủy sản lớn với nguồn cá chép, cá chình…hay rùa, ba ba…
Nhắc đến biển hồ Pleiku, người ta nghĩ ngay đến một câu hát nổi tiếng “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy… đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Đây là một câu hát nằm trong bài Đôi Mắt Pleiku, và chỉ với một câu hát thôi đã khiến người nghe mường tượng ra được vẻ đẹp của người con gái núi rừng. Đôi mắt của nàng được ví như Biển Hồ đầy, trong vắt, xanh thẳm, vừa tràn đầy sức sống ban sơ hoang dã, lại dịu dàng đằm thắm hết mực.
Thiên nhiên của vùng đất Tây Nguyên dường như chẳng biết chiều lòng người khi chỉ mang đến cho nơi đây sự oi ả, nóng bức, thế nhưng lại vô cùng ưu ái hết mực cho “đôi mắt Pleiku”, bởi thời thiết của Biển Hồ T’nưng vô cùng mát mẻ, dễ chịu và không khí trong lành, thơm mùi cây cỏ.
Câu chuyện buồn gắn với tên gọi Hồ T’nưng
Hồ T’nưng gắn với một câu chuyện truyền thuyết buồn. Ngày xưa nơi đây là buôn làng sầm uất với những dòng suối nước trong veo. Hàng ngày tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn hòa vang thành những khúc nhạc rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Yang) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng Giàng.
Lễ xong, mọi người đang vui say, tin rằng Giàng sẽ phò trợ. Nào ngờ, mặt đất bỗng nhiên rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được tai nạn thảm khốc. Về làng, chỉ thấy toàn biển nước mênh mông. Quá bàng hoàng, khiếp sợ bèn chạy đi báo các làng lân cận về tin khủng khiếp này.
Cũng từ đó, người Gia Rai nhớ thương da diết những người đã khuất vì tai nạn trên. Và luôn luôn xem biển hồ T’nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên. Câu chuyện này cho đến ngày nay vẫn được người dân nơi đây kể lại. Dù có tam sao thất bản nhưng khi kể lại đều để lại những cảm xúc bi thương, lắng đọng trong lòng người nghe.
Vẻ đẹp quyến rũ của biển hồ T’nưng
Cung đường vào hồ T’Nưng rất lãng mạn. Hai bên cung đường uốn lượn quanh co là những rừng thông xanh mướt. Chưa kịp nghe mùi gió hồ đã ngửi thấy thơm ngát mùi nhựa thông. Qua hết con dốc cao, hồ T’Nưng hiện ra trước tầm mắt như vỡ òa. Biển trời bao la hiện lên trước mắt. Hồ tựa núi, núi tựa mây. Non nước hữu tình hồ xanh trong vắt.
Hồ T’Nưng đẹp, quả thực rất đẹp. Không những ban sáng, ban trưa mà Hồ T’Nưng còn đẹp trong từng khoảnh khắc. Sáng sớm, mặt trời đỏ hòn thừng thững xuất hiện sau rặng cây xa, bóng nắng nhuốm đỏ cả mặt hồ. Hồ T’Nưng e ngại như cô gái đôi mươi. Má ửng hồng khi được khen xinh xắn. Trời sáng rõ, mây lững lờ trôi. Cảnh vật ở hồ T’Nưng hiện rõ trong tầm mắt du khách là một màu xanh ngút ngàn. Xanh trời, xanh mây, xanh cây, xanh nước.
Đến đây, ngoài đứng ngắm cảnh từ trên nhà cao. Du khách có thể thuê một chiếc thuyền máy để dạo chơi nhìn ngắm khắp hồ. Ngắm những người dân ở đây thỏa mình đánh bắt tôm cá do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Quang cảnh trên hồ càng đẹp khi chiều về. Nhất là những đêm trăng sáng soi bóng xuống mặt hồ. Gió thổi liu riu, tán cây xào xạc. Xa xa là tiếng chim Trắc La bay lượn kêu bạn tình…Chao ôi, người ít khi biểu lộ cảm xúc cũng có khi tức cảnh mà sinh tình. Biển Hồ T’Nưng còn nét hoang sơ của núi rừng. Còn dễ thu phục lòng người bởi vẻ đẹp chân phương ấy.