Nhắc tới ẩm thực Việt nam thì không thể không nhắc đến món bún. Với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, món bún Việt Nam không chỉ được nhiều người dân trong nước yêu thích mà còn vang danh ra nhiều nước ngoài khu vực, thậm chí còn trở thành món khoái khẩu làm nhiều thực khách nước ngoài trầm trồ. Đặc biệt món bún có nhiều cách chế biến làm nổi bật hương vị riêng ứng với mỗi vùng Bắc – Trung – Nam của đất nước ta. Chính vì lẽ đó không khó để nói rằng bún đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Nguồn gốc ra đời của món bún trong ẩm thực Việt
Ngoài món cơm truyền thống thì có thể nói bún là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Đi từ Bắc vào Nam, có rất nhiều loại bún với cách chế biến cũng như hương vị khác nhau. Qua đó thể hiện tính cách khác nhau giữa các vùng miền. Khởi nguồn từ giai thoại thời vua An Dương Vương. “Trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, một người đầu bếp đã vô tình đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Khi phát hiện ra sai lầm, anh hốt hoảng nhấc chiếc rổ lên thì nhìn thấy bột gạo đã trở thành các sợi dây dài màu trắng.
Cảm thấy bỏ thì quá lãng phí, anh đem những sợi bột trắng xào với rau cần để làm món lót dạ. Không ngờ rằng, khi tiệc bắt đầu, món ăn lạ kia lại được vua chú ý và hết lòng khen ngợi. “Bún xào cần” được ra đời từ đó. Món ăn này đã trở thành một trong những món ăn yêu thích trong thực đơn của hoàng gia.”
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Bún vẫn giữ được nét tinh tuý. Thậm chí còn được phát triển thành nhiều món ăn ngon trứ danh. Xuyên suốt các tỉnh thành đất nước, bún được biến tấu với nhiều hương vị khác nhau. Qua đó góp phần làm cho bức tranh văn hoá ẩm thực Việt trở nên độc đáo và đa dạng.
Đặc trưng riêng của món bún ở từng vùng miền
Món bún miền Bắc được chế biến cầu kỳ và tinh tế
Ẩm thực Bắc bộ mang nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An xưa. Các món ăn ở đây mang phong vị thanh đạm, nhẹ nhàng và có vị chua dịu. Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng.
Bún thang thể hiện rõ nét nhất sự tinh tế của người miền Bắc. Bún thang là món ăn đòi hỏi sự cầu kỳ ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến bước sơ chế. Đặc biệt chú trọng ở khâu nấu nước lèo và công đoạn cuối cùng là bày biện các nguyên liệu để tạo thành tô bún hoàn hảo đúng chuẩn đầy sắc màu và cuốn hút. Từ chuẩn bị cho đến nấu thành phẩm, người ta tính được có khoảng 20 nguyên liệu trong bát bún thang. Nào là rau răm, mùi tàu, trứng gà tráng, lườn gà, giò lụa… Tất cả được thái mỏng hoặc xé sợi. Phải được rắc đều lên trên bát bún trắng, thêm một ít tôm khô. Gia vị ăn kèm phong phú như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu, chanh, một tí xíu mắm tôm.
Các loại bún khác như bún chả, bún mọc, bún đậu mắm tôm… tuy không nhiều nguyên liệu như bún thang, nhưng sự cầu kì không hề thua kém. Mỗi món ăn đều đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị một cách tỉ mỉ. Từ lựa chọn nguyên liệu, nấu nước dùng cho đến các loại rau ăn kèm. Tất cả phải hòa hợp với nhau để tạo nên một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Bún miền Trung lấy vị cay làm điểm nhấn
Món bún của người miền Trung đơn giản hơn nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay, nên các loại bún ở đây không thể thiếu đi vị cay được. Đại diện tiêu biểu nhất chính là bún bò Huế. Nếu ai từng ăn bát bún bò đúng chất Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Vị cay đó đem đến cho người ăn chính là ớt. Ớt với vô vàn các loại ớt cho bạn lựa chọn như ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát… Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà. Khi ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.
Ngoài bún bò Huế, các tỉnh ven biển dọc miền Trung còn nổi tiếng với món bún chả cá. Với nước dùng trong, không quá cay như bún bò Huế nhưng vị cay lại đến từ chén nước chấm ăn kèm với chả cá. Nước chấm hơi sệt, được pha chế từ đường, nước mắm, tỏi và ớt. Thêm cùng với đó là một chén ớt xiêm xanh như thách thức người ăn thử mức độ ăn cay của mình. Mỗi món ăn đều ẩn chứa tình cảm nồng hậu, tâm hồn chân chất của người dân nơi đây. Điều này khiến bất cứ thực khách nào cũng phải nao lòng thưởng thức.
Bún miền Nam đơn giản nhưng đậm đà, tròn vị
Ngược vào miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món bún ngon mang đậm hương vị. Chẳng hạn như bún mắm, bún cá, bún nước lèo… Món bún ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân. Hấp dẫn bởi sự mộc mạc, đơn giản. Bên cạnh đó là pha thêm chút hoang dã, phóng khoáng đậm chất Nam bộ.
Mắm là nguyên liệu chính trong món bún của người miền Nam. Nổi tiếng nhất và được nhiều người biết đến là món bún mắm. Nước dùng được nấu bằng mắm các loại cá trèn, cá sặc, cá lóc, cá linh… có nhiều trên các sông rạch miền Tây. Bún mắm được chế biến với tôm, thịt ba chỉ, mực. Sóc Trăng có món bún nước lèo, hương vị cũng thoang thoảng như bún mắm. Bởi nước dùng nấu bằng mắm bò hóc. Đây là một loại mắm đặc sản của người Khmer sinh sống ở Sóc Trăng, Trà Vinh.
Món bún của người miền Nam thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau có quen thuộc trong đời sống của người dân. Chỉ cần đi lang thang một vòng trong vườn nhà là bạn đã có nhiều loại rau tươi ngon đủ cho một bữa ăn. Nào là rau đắng, điên điển, bông súng, kèo nèo, húng lủi… Hương vị đậm đà của món bún được kết hợp với nhiều loại rau mang đến cho người ăn một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Truy cập tại Văn hóa Việt Nam để tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan khác.