Khi đến Côn Đảo để du lịch, các bạn có thể lựa chọn giữa hai phương thức di chuyển là đường thủy với tàu cao tốc hoặc đường hàng không. Mặc dù đã có tàu cao tốc chỉ mất 3-4 tiếng để đến Côn Đảo nhưng bạn sẽ vẫn cảm thấy khó chịu vì chưa quen. Du lịch bằng tàu cao tốc sẽ không còn quá đáng sợ nếu bạn biết trước một số biện pháp chống say. Bài viết sau sẽ chia sẻ với các bạn một số cách chống say sóng. Hãy tham khảo và lưu lại những kinh nghiệm này để việc đi Côn Đảo thật vui vẻ và thoải mái nhé!
6 biện pháp giúp bạn không còn sợ say khi đi tàu xe
Chuyến đi đến Côn Đảo vào giữa tháng 4 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại tại Việt Nam. Chính là lần đầu tiên cô gái Nguyễn Thùy Trinh, sinh năm 1992, hiện sống ở TP HCM; trải nghiệm cảm giác du lịch bằng tàu thủy. Vốn mắc chứng say tàu xe nặng nên Trinh không khỏi lo lắng khi lần đầu “thử sức” với loại phương tiện này. “Mình run lắm vì nghe nhiều bạn từng đi tàu kể là say sóng, đi cực kỳ mệt. Thậm chí có người còn… nôn ói xanh cả mặt. Nhưng sau khi cân nhắc nhiều hướng thì đi tàu là tiết kiệm nhất. Phù hợp với nhu cầu cả nhóm nên tụi mình vẫn quyết định lên đường”, Trinh chia sẻ.
Cô nàng dành hẳn một tháng trước ngày khởi hành để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những bài viết tư vấn cách đi tàu. Đồng thời xin thêm lời khuyên từ người có kinh nghiệm để “tự cứu lấy mình”. Nhờ đó mà nghiệm ra được 6 biện pháp hiệu quả cho một chuyến du lịch đường biển khỏe mạnh.
Lưu ý khi chọn thời điểm du lịch
Nên đi Côn Đảo vào tháng 4, 5 và 6 vì đây là thời điểm vàng, biển êm và lặng sóng nhất. Ngoài ra cũng cần tránh những ngày mưa hay gió bão. Vì dễ gặp sóng to làm thuyền lắc lư, dập dềnh. Nó gây nên những cơn nôn nao trong người và khiến tình trạng say sóng trở nên trầm trọng hơn.
Uống thuốc chống say trước khi đi
Khi bạn đã say tàu xe nặng thì trước khi lên tàu 30 phút nên uống thuốc chống say. Lên tàu cần hạn chế di chuyển; tốt nhất là chọn một vị trí ngồi ở giữa thân tàu và… đánh một giấc đến khi thuyền cập bến. Tránh ngồi ở mũi tàu hoặc đuôi tàu vì đây là những vị trí chịu tác động trực tiếp sóng biển.
Lựa chọn điểm đi để rút ngắn thời gian
Nhiều du khách thường chọn đi xe ra Vũng Tàu rồi tiếp tục ngồi tàu 5 tiếng ra Côn Đảo. Tuy nhiên, đối với những người cơ địa yếu, dễ bị say sóng thì thời gian ngồi tàu càng lâu, cơ thể càng dễ mệt mỏi. Một con đường lý tưởng hơn giúp bạn rút ngắn thời gian lênh đênh trên biển chính là đi tàu từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thằng ra đảo. Chỉ mất 2 tiếng di chuyển, giảm hơn một nửa thời gian so với việc xuất phát từ Vũng Tàu. Chuyến tàu từ Sóc Trăng cũng chính là hải trình ngắn nhất để ra đến Côn Đảo.
Theo dõi thời tiết
Chuyến du lịch có diễn ra suôn sẻ, vui tươi hay không phụ thuộc không nhỏ vào thời tiết. Du khách có thể tải ứng dụng theo dõi thời tiết để tham khảo thêm trước khi đặt vé tàu. Một trong số đó là ứng dụng Windy, cho phép người dùng tra cứu sức gió, nhiệt độ, độ ẩm; giám sát cơn bão, dự báo thời tiết… đối với từng khu vực cụ thể trong 7 ngày. “Việc làm này không thừa bởi biển êm, gió lặng thì mình cũng yên tâm du lịch hơn”, Trinh gợi ý.
Ăn uống nhẹ nhàng
Một trong những nguyên nhân thường gây ra hiện tượng say tàu xe; chính là do phản xạ thần kinh của những cơ quan nội tạng. Do đó, việc ăn uống sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi đi tàu. Hãy đảm bảo quy tắc “ba không” khi đi tàu thủy để hạn chế say sóng:
Không để bụng đói: Tình trạng nôn ói khi đi tàu thường khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, nhiều người đã lầm tưởng rằng nếu để bụng rỗng, cơ thể sẽ không có gì để mà nôn ra. Tuy nhiên, bụng đói sẽ làm bạn chóng mặt, nôn nao; vì cơ thể vẫn cảm nhận được tàu “giật” như thường.
Không ăn no: Đây là một điều dĩ nhiên mà bất cứ ai từng say tàu cũng hiểu được. Ăn no quá sẽ dễ bị trào ngược thực quản và đi gặp chị “Huệ” ngay lập tức.
Không dùng rượu bia, chất kích thích: Dùng rượu bia hay chất kích thích trước khi bạn lên tàu là con đường ngắn nhất để say tàu xe. Để có một tình trạng tốt nhất thì bạn chỉ nên ăn nhẹ là được.
Sắp xếp thời gian đi và về
Nếu dư dả thời gian, các bạn nên đi tầm 3 ngày 2 đêm để cơ thể có khoảng nghỉ. Để phục hồi sức khỏe, phòng trường hợp quá mệt do say tàu xe. Đi quá ngắn ngày thì chuyến về sẽ trở thành… ám ảnh kinh hoàng cho du khách nếu không may gặp phải “chuyến tàu định mệnh”.
Nhóm của Trinh đã đi xe khách từ TP HCM đến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) sau đó vi vu 2 tiếng trên chuyến tàu Côn Đảo Express. Tàu lớn và hiện đại, có sức chứa gần 600 hành khách với giá vé 320.000 đồng mỗi người. Trinh chọn vị trí gần cửa sổ thuộc khu vực A. Ở lượt đi, do vẫn còn chút nỗi lo tâm lý nên vừa lên tàu là cô nàng vội đeo tai nghe, ngủ liền một mạch. Đến lúc về, nhờ đã có kinh nghiệm và biết rõ tàu chạy êm nên cô tranh thủ ngắm cảnh nhiều hơn. Bầu trời trong và đầy nắng, chiếu xuống mặt nước lấp lánh như vẩy bạc.
Theo cô nàng, tàu thủy hiện nay đã hiện đại, tiện nghi và an toàn hơn trước rất nhiều; thời gian di chuyển cũng không quá lâu. Chính vì vậy du khách có thể thoải mái tinh thần hơn. Và yên tâm chọn tàu thủy cho một chuyến đi tiết kiệm chi phí với nhiều trải nghiệm mới mẻ. Ngoài ra, tàu biển hiện là phương tiện di chuyển duy nhất ra Côn Đảo khi mà các đường bay đều dừng phục vụ.